logo

Nhật Bản: Nên mạnh tay hay từ bỏ với các startup?

Expert Editor

Sau khi tụt hậu so với Thung lũng Silicon trong thời đại internet và phần mềm, đã đến lúc Nhật Bản phải thay đổi.


Sau ba thập kỷ trì trệ, Nhật Bản đang đứng trước cơ hội có một không hai để hồi sinh nền kinh tế thông qua đổi mới công nghệ và khởi nghiệp. 


Thị trường lao động khắt khe đã khiến người trẻ Nhật chấp nhận rủi ro và rời bỏ khuôn mẫu nhân viên làm công ăn lương thường thấy, với sự nghiệp kéo dài suốt đời tại các công ty lớn. Ảnh hưởng kinh tế từ “những thập kỷ đã mất” đang dần giảm bớt và quyền lực mềm của quốc gia này đang thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Các nhà đầu tư lo lắng sự bất ổn trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đang tìm kiếm sự ổn định ở các quốc gia lân cận. Đồng thời, căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung cũng thúc đẩy quan hệ mật thiết giữa Mỹ và Nhật Bản.


Hiện tại, các yếu tố đã chín muồi để Nhật Bản có thể thay đổi một cách bền vững. Chính phủ dường như nhận thức được, đây là thời điểm quan trọng và đã cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách khuyến khích các startup. Nhưng, để Nhật Bản thành công trong việc tạo ra những công ty có khả năng tác động đến toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách cần táo bạo hơn và các công ty mà họ hỗ trợ phải tham vọng hơn nữa. Đất nước này cũng cần tạo ra con đường riêng để thành công, thay vì sao chép các chiến lược đã gặt hái thành tựu ở nơi khác.


Hiện, Nhật Bản đang đi được gần nửa chặng đường trong kế hoạch phát triển 5 năm của Thủ tướng Fumio Kishida với một phần của mục tiêu là tạo ra 100.000 startup và tăng số lượng startup “kỳ lân” lên gấp 10-100 lần vào năm 2027. Tuy nhiên, kế hoạch không diễn ra suôn sẻ.


Theo dữ liệu của Pitchbook, tính đến tháng 7 năm 2024, Nhật Bản chỉ có 10 startup “kỳ lân”, so với 714 ở Mỹ, 316 ở Trung Quốc và 62 ở Ấn Độ. Tham vọng của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh sự hứng thú đối với viêc tạo ra startup “kỳ lân” của các nhà đầu tư trên toàn cầu đang suy giảm.


Cách tiếp cận của Nhật Bản trong việc cố gắng tạo ra hàng chục ngàn startup và hy vọng ít nhất một trong số đó sẽ tạo nên điều kỳ diệu cũng không phù hợp với thị trường nước này, vốn có quy mô chỉ bằng một phần nhỏ so với Mỹ hoặc Trung Quốc. Ngoài ra, các điều kiện trong nước đã dẫn đến việc các startup công nghệ lên sàn chứng khoán ở giai đoạn sớm hơn nhiều so với các công ty Mỹ – thường chỉ sau vài vòng gọi vốn, theo nghiên cứu được công bố bởi Initial. Sau khi lên sàn chứng khoán, các công ty này phải chịu áp lực lớn, tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận trước mắt, thay vì các dự án công nghệ đầy tham vọng hoặc các nỗ lực tăng trưởng rủi ro nhưng có thể mang lại tác động lớn hơn.


Chính phủ có thể bắt đầu bằng cách tăng cường tài trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì phần lớn hỗ trợ cho R&D đến dưới dạng tín dụng thuế, chỉ các công ty đã có lợi nhuận mới có thể tận dụng được chính sách này. Kết quả là, 92% hỗ trợ cho R&D đều dành cho các công ty lớn, theo cuốn sách "The Contest for Japan’s Economic Future: Entrepreneurs vs Corporate Giants" của Richard Katz năm 2024. Katz cho rằng Nhật Bản nên cho phép các startup sử dụng tín dụng thuế khi họ bắt đầu có lợi nhuận.


Chính quyền Kishida cũng đã triển khai một khoản giảm thuế thiên thần cho các cá nhân đầu tư vào startup, nhưng yêu cầu khoản này chỉ được sử dụng cho một công ty duy nhất, khiến nó mang lại rủi ro cao hơn nhiều. Nhật Bản có thể làm theo mô hình của Pháp, cho phép người nộp thuế đầu tư vào các quỹ thiên thần, thường sinh lời nhiều hơn và ít rủi ro hơn, đồng thời mang lại nhiều nguồn tài trợ hơn cho các startup.


Các nhà hoạch định chính sách cũng nên tập trung nguồn lực vào những ý tưởng đầy tham vọng. Trong một bài đăng trên blog gần đây, Takaaki Umada, giám đốc của FoundX thuộc đại học Tokyo, cảnh báo về “khởi đầu của sự kết thúc” của làn sóng khởi nghiệp ở Nhật Bản có thể đã bắt đầu. Nhật Bản có thể tiếp tục tạo ra các công ty mới bằng cách bắt chước các chiến lược của Mỹ. Nhưng, điều này rất có thể sẽ dẫn đến các công ty có quy mô chỉ bằng một phần mười so với những công ty ở Mỹ, ngay cả khi chúng đem lại lợi nhuận ngắn hạn cao hơn. Umada lập luận rằng, Nhật Bản cần tăng cường hỗ trợ cho các startup có thể mở rộng ra toàn cầu ngay từ đầu và khai mở ngành công nghiệp mới.


Từng là một công ty 20 người được thành lập ngay sau Thế chiến II, những người sáng lập của Sony đã chọn tạo ra các công nghệ mới và “làm những điều chưa từng làm trước đây,” thay vì bắt chước đối thủ cạnh tranh. Sony tạo ra sản phẩm nổi tiếng như Walkman và những đột phá công nghệ khiến thế giới phải ngưỡng mộ. Cách này có thể có vẻ rủi ro hơn, thậm chí không giống Nhật Bản. Nhưng, cách suy nghĩ này đã thúc đẩy một số công ty huyền thoại của Nhật Bản, như Sony, vẫn chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc cho đến ngày nay.


Các chính sách công nghiệp bảo hộ dành riêng cho một công ty thường thất bại, nhưng các khoản trợ cấp R&D có thể phát huy tác dụng khi được phân bổ bởi các nhà khoa học và kỹ sư không bị can thiệp bởi chính trị. Và, những chính sách thành công nhất là những chính sách thúc đẩy cạnh tranh. Vì vậy, các bên liên quan nên tập trung nguồn lực vào các sáng kiến công nghệ sâu (deep tech) đang phát triển và cách mạng hoá ngành công nghệ.


Các nhà kinh tế thường nói rằng chính phủ không thể chọn được người chiến thắng, nhưng kẻ thua cuộc có thể chọn chính phủ. Thành công của Sony có được là nhờ sự lãnh đ��o của những người sáng lập hơn là nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nhưng hiện tại, khi Nhật Bản đang cố gắng nuôi dưỡng các startup, họ nên khuyến khích sự cạnh tranh và ưu tiên các doanh nhân hơn là các quan chức. Sau khi tụt hậu so với Thung lũng Silicon trong suốt thời kỳ internet và phần mềm, đây sẽ là cơ hội tốt nhất để nước này trở lại vị trí dẫn đầu

ABOUT THE AUTHOR

Expert Editor

Công nghệ xử lý nước tiên tiến mang đến khoản đầu tư triệu USD

Expert Editor

Startup không gian AstroForge thực hiện sứ mệnh lịch sử vào năm 2025

Expert Editor

Startup mất nhiều thời gian hơn để hoàn tất vòng gọi vốn

Expert Editor