VinFast sản xuất xe điện cỡ nhỏ, dưới 10.000 USD nhằm bứt phá thị trường
Expert Editor

VinFast, từng nổi danh trong giới kinh doanh, sản xuất ô tô, với giá trị đứng thứ 3 trên thế giới trong một thời gian ngắn, hiện đang đối diện với vấn đề nan giải: doanh số bán hàng không đạt kỳ vọng.
Các nhà máy nhàn rỗi đang gây thiệt hại tài chính nghiêm trọng cho VinFast. Nhận thấy việc tiếp cận thị trường Mỹ quá khó khăn, VinFast đặt hy vọng vào VF3 – chiếc SUV mini chạy pin nhỏ nhất với giá cả phải chăng nhất, chỉ 9.200 USD. Công ty kì vọng, VF3 sẽ trở thành chiếc “ô tô quốc dân” của Việt Nam và chinh phục người tiêu dùng châu Á.
Theo VinFast, VF3 được thiết kế dành riêng cho thị trường Việt Nam và các nước châu Á, với mức giá “hấp dẫn nhiều đối tượng mua hàng.” Bà Lê Thị Thu Thuỷ, chủ tịch tập đoàn VinGroup, chia sẻ trong một cuộc họp vào tháng 4 rằng, doanh thu từ VF3 dự kiến sẽ vượt trội hơn so với các mẫu xe trước đó, vốn chỉ sản xuất để xuất khẩu sang các nước phương Tây.
VinFast tham vọng bước vào sân chơi lớn của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu sau khi bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Mỹ vào năm ngoái và niêm yết trên sàn Nasdaq. Bước ngoặt này giúp giá trị thị trường của VinFast nhanh chóng vượt qua General Motors Corp. và Ford Motor Co. vào cuối tháng 8.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư đang dần mất đi sau khi cổ phiếu của VinFast giảm xuống dưới mức 4 USD, từ mốc đỉnh 82,35 USD trước đó. VinFast đang đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng, bao gồm sự chậm trễ trong việc xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ USD tại Bắc Carolina. Theo thông tin mới nhất, công ty cho biết họ đang xem xét và đánh giá lại “tất cả các khía cạnh của quá trình xây dựng.” Ngoài ra, VinFast cũng đang phải giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại California, làm 4 người tử vong, cũng như các tranh chấp về việc vi phạm bằng sáng chế.
Tương lai của VinFast rất quan trọng đối với Việt Nam, không chỉ bởi tham vọng của họ phù hợp với các mục tiêu phát triển của Đảng, mà còn vì công ty mẹ VinGroup đóng vai trò to lớn trong nền kinh tế quốc gia. Tập đoàn này bắt đầu từ một công ty sản xuất mì ăn liền ở Ukraine vào những năm 1990 và từ đó đã mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, đánh dấu sự phát triển đa ngành của họ.
VinFast thông báo rằng, họ đã ghi nhận khoản lỗ ròng lên đến 2,39 tỷ USD trong năm ngoái, dù doanh thu đã tăng đến 90%. Để khắc phục tình trạng tài chính khó khăn này, gần đây, tập đoàn VinGroup đã quyết định bán công ty bất động sản thương mại sinh lãi của mình là Vincom Retail. Theo hồ sơ gửi đến Ủy ban chứng khoán và Giao dịch Mỹ, người sáng lập Tập đoàn VinGroup, ông Phạm Nhật Vượng, đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD từ tài sản cá nhân của mình, ngoài ra công ty mẹ cũng hỗ trợ thêm VinFast tổng cộng 11,4 tỷ USD trong giai đoạn từ 2017 đến 2023.
Theo truyền thông trong nước, ông Phạm Nhật Vượng đã tuyên bố tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên vào tháng 4: “Chúng tôi không bao giờ buông bỏ VinFast.”
Tú Lê, người sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights, cho biết theo như dự định ban đầu, VinFast sẽ tiếp cận các thị trường mới nổi ở châu Á, nơi mà người tiêu dùng chuyển từ xe máy sang sử dụng ô tô và không yêu cầu cao về tính năng như ở Mỹ.
Chỉ dài 3,1 mét và rộng cũng như cao 1,6 mét, loại xe này dễ dàng di chuyển qua những làn đường hẹp ở các thành phố châu Á nhưng vẫn đảm bảo năm người ngồi thoải mái.
VinFast đặt mục tiêu bán 20.000 chiếc xe tại Việt Nam trong năm nay và dự kiến giao hàng vào tháng 8. Sản phẩm hiện được phân phối trên sàn thương mại điện tử Shopee Đông Nam Á, với số tiền đặt cọc ban đầu khoảng 2.000 USD. Trong ba ngày đầu mở đơn đặt hàng vào ngày 13 tháng 5, đã có hơn 27.000 người đăng ký mua xe.
Diệu Linh, 32 tuổi, là một nữ doanh nhân. Cô và chồng quyết định chuyển từ xe máy sang ô tô để di chuyển an toàn và tiện lợi hơn, đặc biệt là những hôm điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng hay mưa phùn. Cô chia sẻ: “Mức giá của VF3 rất hấp dẫn. Nhưng tôi sẽ đợi xem xe hoạt động như thế nào trên thực tế trước khi đưa ra quyết định đặt cọc.”
VinFast có kế hoạch mở bán VF3 tại Philippines trong năm nay và mở rộng sang Indonesia, Thái Lan, Mỹ và châu Âu vào năm sau.
Hãng đã khai trương showroom đầu tiên tại Jakarta, thủ đô của Indonesia vào tháng 4 và cho biết, họ đã bán được khoảng 600 chiếc SUV cho các công ty tại đây. Đồng thời, VinFast cũng đã bắt đầu xây dựng một nhà máy sản xuất tại Ấn Độ.
VinFast cũng phải cạnh tranh gay gắt tại thị trường châu Á, đặc biệt khi nhà sản xuất xe điện nổi tiếng Trung Quốc như BYD, đã đạt được quy mô sản xuất lớn với chi phí thấp. BYD và Haima đang nhanh chóng mở rộng thị trường kinh doanh tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, tại Việt Nam, VinFast lại có lợi thế nhờ vào hạ tầng trạm sạc điện gần như độc quyền, bao gồm các trạm sạc phủ rộng khắp cả nước, từ các thành phố lớn đến các vùng miền núi xa xôi. Ông Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore cho biết thêm, sự hoài nghi về các sản phẩm đến từ Trung Quốc và tinh thần dân tộc có thể giúp VinFast có lợi thế cạnh tranh ban đầu.
Theo kế hoạch, BYD sẽ tung ra 3 mẫu xe mới - Atto 3, Dolphin và Seal tại Việt Nam trong thời gian tới.
Để tối ưu chi phí sản xuất tại các nhà máy lớn ở Hải Phòng, VinFast cần tăng doanh số bán hàng. Nhà máy này có khả năng sản xuất khoảng 250.000 xe điện mỗi năm, nhưng hiện chỉ hoạt động với công suất khá thấp.
Chuyên gia ô tô Tú Lê nhận định rằng, nhà máy không vận hành hết công suất là một khoản chi gây lãng phí.
Ấn Độ là thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới xét về doanh thu. Để đạt được thành công ở thị trường này, Vinfast cần phải xây dựng một nhà máy tại đây, nhằm tận dụng các chính sách bảo vệ nhà sản xuất địa phương. Theo Ishan Raghav, tổng biên tập tạp chí xe hơi autoX, với mức thuế nhập khẩu cao, VF3 hiện vẫn còn quá đắt đối với người tiêu dùng Ấn Độ, ngay cả với mức giá 9.200 USD.
VF3 có thể là lựa chọn hấp dẫn với những khách hàng có nhu cầu sở hữu một chiếc xe nhỏ gọn để đi lại trong thành phố, tuy nhiên, việc phát triển m���ng lưới bán hàng và hạ tầng trạm sạc điện sẽ đòi hỏi thời gian và sự đầu tư kỹ lưỡng. Ông Raghav nhấn mạnh: “Tất cả các yếu tố từ sản xuất, bán hàng, dịch vụ đến hạ tầng sạc điện đều đòi hỏi cả vốn và thời gian.”
VinGroup đã thành lập công ty V-Green nhằm xây dựng hạ tầng trạm sạc điện riêng biệt tại Việt Nam và các thị trường tiềm năng khác. Tại Thái Lan, trong cuộc phỏng vấn của bà Vũ Đăng Yến Hằng, CEO VinFast Thái Lan với Associated Press vào tháng 3, kế hoạch tương tự đã được công bố.
Điều này cho thấy VinFast đang nỗ lực tăng tốc để đáp ứng được các thách thức và mục tiêu của mình.
Mặc dù Mỹ là thị trường ưu tiên để phát triển kinh doanh, nhưng VinFast mới chỉ bán được dưới 1.000 xe ở Bắc Mỹ vào năm ngoái và tổng cộng khoảng 35.000 xe trên toàn cầu, thấp hơn mục tiêu là ít nhất 40.000 xe. Theo hồ sơ gửi cho Ủy ban chứng khoán và Giao dịch Mỹ, khoảng 2/3 doanh thu của VinFast trong năm 2023 đến từ việc bán xe cho hãng taxi Xanh SM, thuộc sở hữu của Tập đoàn VinGroup.
Ông Lê Hồng Hiệp cho biết thách thức lớn nhất của VinFast là cải thiện hiệu quả tài chính. Ông nhấn mạnh: "Nếu họ không duy trì đủ lâu, họ có thể phá sản.”
ABOUT THE AUTHOR
Expert Editor
ZaloPay vẫn lỗ dù tăng trưởng doanh thu
Expert Editor

Kỳ lân công nghệ Việt Nam VNG hoạt động ra sao trước khi thay đổi lãnh đạo?
Expert Editor

Đối tác của Apple lấn sân sang ngành sản xuất xe điện
Expert Editor
