logo

Trung Quốc đứng đầu về số lượng bằng sáng chế GenAI

Expert Editor

Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc chiếm ưu thế trong cuộc đua bằng sáng chế cho trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI), với hơn 38.000 hồ sơ xin cấp bằng từ năm 2014 đến năm 2023.


Số lượng này là gấp 6 lần so với quốc gia đứng ở vị trí thứ hai, Hoa Kỳ, theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới của Liên Hợp Quốc (WIPO). Dựa trên danh sách thống kê, Trung Quốc có 38.210 phát minh, vượt xa các nước như Hoa Kỳ (6.276), Hàn Quốc (4.155), Nhật Bản (3.409) và Ấn Độ (1.350).


GenAI là một loại trí tuệ nhân tạo, cho phép người dùng tạo ra đa dạng các nội dung như văn bản, hình ảnh, nhạc, âm thanh và video. Bằng sáng chế GenAI hiện chiếm 6% tổng số bằng sáng chế AI trên toàn thế giới.


“Số hồ sơ xin cấp bằng sáng chế tăng mạnh phản ánh những tiến bộ công nghệ và tiềm năng trong lĩnh vực GenAI,” báo cáo cho biết.


Dưới đây là top 10 đơn vị có số lượng bằng sáng chế GenAI hàng đầu trong giai đoạn 2014-2023:


  • Tencent với 2.074 bằng sáng chế

  • Ping An Insurance với 1.564 bằng sáng chế

  • Baidu với 1.234 bằng sáng chế

  • Chinese Academy Of Sciences với 607 bằng sáng chế

  • IBM với 601 bằng sáng chế

  • Alibaba Group với 571 bằng sáng chế

  • Samsung Electronics với 468 bằng sáng chế

  • Alphabet với 443 bằng sáng chế

  • Bytedance với 418 bằng sáng chế

  • Microsoft với 377 bằng sáng chế


Trung Quốc đã tìm cách bắt kịp với OpenAI, “cha đẻ” của ChatGPT, và các gã khổng lồ công nghệ đến từ Mỹ như Microsoft, Google của Alphabet và Amazon trong việc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), sau khi bị tụt lại phía sau.


Từ tháng 11 năm 2022, ChatGPT đã gây bão trên toàn thế giới với khả năng tạo ra các phản hồi giống như con người, dựa trên yêu cầu của người dùng.


Năm ngoái, các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Alibaba và Baidu đã cho ra mắt các LLM của riêng mình để cạnh tranh với các đối thủ đến từ Mỹ.


Nhằm củng cố vị thế của mình trong cuộc đua công nghệ, Trung Quốc đã khởi động “kế hoạch hành động” trong vòng ba năm vào tháng 5 năm nay. Kế hoạch này hướng tới mục tiêu củng cố các tiêu chuẩn cho con chip AI, GenAI và phát triển năng lực điện toán quốc gia, từ đó thúc đẩy phát triển công nghệ và kinh tế.


“Trung Quốc có thị trường tiêu dùng với nhiều tiềm năng và các đối tác kinh doanh, để đổi mới và ứng dụng công nghệ GenAI vào các ngành công nghiệp khác nhau, sử dụng tập dữ liệu chuyên biệt,” Wei Sun, cố vấn cấp cao về nghiên cứu AI tại Counterpoint Research, trả lời phỏng vấn với CNBC.


“Đây là chìa khóa giúp Trung Quốc giành chiến thắng và có những ứng dụng có thể vượt qua Hoa Kỳ trong lĩnh vực này."


Các bằng sáng chế Gen AI liên quan đến dữ liệu hình ảnh và video chiếm ưu thế với 17.996 phát minh, tiếp theo là văn bản (13.494) và âm thanh hoặc nhạc (13.480), theo báo cáo của Liên Hợp Quốc.


Bằng cách phân tích các xu hướng liên quan đến bằng sáng chế, cơ quan này cho biết, họ có thể giúp các nhà hoạch định chính sách “định hình sự phát triển của GenAI vì lợi ích chung.”

ABOUT THE AUTHOR

Expert Editor

Huawei sẽ ra mắt sản phẩm mới đối đầu trực tiếp với iPhone 16 của Apple

Expert Editor

Căng thẳng Mỹ-Trung đe dọa sự phát triển của ngành năng lượng mặt trời ở Đông Nam Á

Expert Editor

ASEAN đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới

Expert Editor