Nhật Bản để các doanh nghiệp “zombie” tự phá sản
Expert Editor

Trong suốt 72 năm tồn tại, công ty của ông Hitoshi Fujita chỉ là một doanh nghiệp gia đình nhỏ lẻ, sản xuất các bộ phận kim loại. Sau đó, công ty đã thực hiện một phi vụ khác biệt hoàn toàn đối với một nhà sản xuất nhỏ của Nhật Bản: mở rộng, mua lại hai công ty lân cận trong 10 năm qua.
Ông Fujita cho biết, nếu các công ty nhỏ không làm như ông, thì có lẽ quốc gia đã làm thay đổi ngành sản xuất toàn cầu vào thế kỷ 20 sẽ phải đối mặt với một tương lai ảm đạm.
Nhiều năm tăng trưởng chậm và suy giảm dân số đã khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản phải dựa vào sự giúp đỡ của chính phủ và nguồn tài trợ gần như miễn phí. Các công ty này, chiếm khoảng bảy trong số mười công việc, hiện đang đối mặt với sự thay đổi lớn khi các biện pháp hỗ trợ thời kỳ đại dịch giảm dần và lãi suất tăng lần đầu tiên trong 17 năm.
Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng để cho các công ty hoạt động kém hiệu quả phá sản. Điều này phản ánh nhu cầu cấp bách trong việc thay thế các doanh nghiệp “zombie” bằng những doanh nghiệp có khả năng phát triển.
Các quan chức không mong đợi quá trình thay đổi này diễn ra nhanh chóng, nhưng họ cho rằng, đây là sự thay đổi quan trọng trong tư duy. Được biết, Nhật Bản là một quốc gia thường tìm cách tránh phá sản và bảo vệ các công việc hiện có, dù có phải trả giá bằng năng suất.
Các quan chức cho biết, động thái này sẽ giúp Nhật Bản chuyển đổi lao động và đầu tư vào các công ty có năng suất cao, trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng thắt chặt với nhiều yêu cầu tăng lương.
Chính phủ kỳ vọng sự thay đổi sẽ diễn ra, thông qua các vụ mua bán và sáp nhập (M&A), thay vì phá sản và sa thải với quy mô lớn. Nhật Bản hiện có các trung tâm hỗ trợ, nhằm tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ về các thương vụ M&A.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với 20 người, bao gồm năm quan chức chính phủ, các ngân hàng, chuyên gia ngành công nghiệp và ba chủ doanh nghiệp, phương pháp tiếp cận mới này gặp không ít trở ngại, nhất là trong hợp đồng xã hội đã chi phối nền kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh.
“Nhiều chủ sở hữu của các công ty sản xuất nhỏ thuộc thế hệ trước tôi và họ thường có xu hướng quản lý doanh nghiệp như các kỹ sư,” ông Fujita, 46 tuổi, điều hành công ty Sakai Seisakusyo ở thành phố Kakamigahara, trung tâm Nhật Bản, cho biết. “Những chủ doanh nghiệp này không có kỹ năng cần thiết đối với quá trình Q&A.”
Công ty của ông Fujita sản xuất các bộ phận cho vòi nước và chất bán dẫn. Hiện tại, ông muốn mở rộng kinh doanh và buôn bán các bộ phận có giá trị kinh tế cao hơn.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, họ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng nguồn vốn với các biện pháp khác. Nhưng, những công ty này cần phải tăng năng suất và doanh thu thông qua đầu tư.
Xu hướng phá sản hiện đang có chiều hướng tăng nhẹ và đã trở lại như mức trước đại dịch. Trong khi đó, người lao động đang thay đổi việc làm, chuyển đến những nơi có điều kiện tốt hơn và mức lương cao hơn.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trả lời phỏng vấn rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, để đảm bảo rằng tình trạng phá sản không diễn ra ồ ạt, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng.”
Vấn đề doanh nghiệp “zombie”
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Teikoku Databank, khoảng 251.000 doanh nghiệp ở Nhật Bản là những công ty “zombie” vào năm ngoái. Doanh nghiệp “zombie” là những doanh nghiệp có lợi nhuận không đủ để trả lãi suất trong một thời gian dài. Đây cũng là mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, với phần lớn các công ty có dưới 300 nhân viên.
Theo như tin tức được công bố vào tháng 3, ngân hàng được khuyến khích giúp vực dậy các công ty hoạt động không hiệu quả thay vì tiếp tục hỗ trợ họ bằng các khoản vay. Các biện pháp này không trực tiếp đề cập đến các công ty “zombie” hoặc thuật ngữ “economic metabolism” để chỉ việc công ty mạnh thay thế công ty yếu.
Một quan chức chia sẻ rằng, “Chính phủ Nhật Bản đang cho công ty phá sản một cách thầm lặng và quá trình này sẽ diễn ra dần dần.” Điều này để tránh những phản ứng dữ dội từ công chúng và gây ra những ảnh hưởng không mong muốn đến đảng cầm quyền. “Tương lai của Nhật Bản sẽ ảm đạm nếu các công ty không thể tăng năng suất của mình.”
Nhật Bản xếp hạng dưới trung bình của OECD về mức lương hàng năm. GDP bình quân đầu người của quốc gia này, một thước đo cho năng suất lao động, là 33.834 USD, đứng sau Pháp và Ý.
Tuy nhiên, số lượng công ty phá sản phải được kiểm soát, bởi ở một số khu vực nông thôn, các doanh nghiệp hoạt động kém vẫn là yếu tố quan trọng đối với cộng đồng, một quan chức cho biết.
Ông Tatsuro Oya đến từ công ty luật Ohe Tanaka và Oya, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tái cơ cấu các công ty nhỏ, nhận xét rằng, chính phủ đang cẩn thận để không bị coi là “bỏ rơi” các công ty này.
“Chính phủ đang cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng nhiều nhất, bằng cách chuyển đổi công tác của người lao động sang các công ty phát triển hơn,” ông Oya bổ sung.
Trong khi đó, thủ tướng Fumio Kishida đã gây áp lực lên các công ty để họ tăng lương cho nhân viên của mình. Nhật Bản đã có mức lương tăng cao nhất trong ba thập kỷ qua, trung bình 5,1%. Trong khi đó, các công ty nhỏ hơn có mức tăng lương khoảng 4,5%.
Khoản vay “zero-zero”
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không nên hưởng “các chính sách phúc lợi,” theo như ông Akira Amari, một nhà lập pháp có ảnh hưởng tại Đảng Dân chủ Tự do, cho biết.
Ông Amari trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng, mục tiêu của chính sách là giúp các công ty này tăng năng suất, lợi nhuận và lương thưởng.
Nhật Bản đã chi 63,2 nghìn tỷ JPY (khoảng 400 tỷ USD), để hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ trong đại dịch, theo báo cáo của Bộ Tài chính năm 2022. Trong đó có khoảng 267 tỷ USD được phân phối dưới dạng các khoản vay “zero-zero,” không yêu cầu tài sản thế chấp và có các giai đoạn miễn trả lãi suất.
Tình trạng phá sản đã tăng vọt khi các khoản vay đáo hạn. Gần 5.000 công ty đã phá sản từ tháng 1 đến tháng 6, mức cao nhất trong nửa thập kỷ, theo Teikoku Databank. Số lượng công ty phá sản đã tăng một phần ba vào năm ngoái.
Ông Amari cho biết, việc M&A liên tục sẽ cho phép các công ty nhỏ thâm nhập vào các ngành công nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao hơn và cho phép nhân viên tiếp thu các kỹ năng mới.
“Chúng tôi muốn các doanh nghiệp vừa phát triển lớn mạnh hơn nữa” ông Amari nói.
Công ty của ông Fujita ở thành phố Kakamigahara đã thực hiện thương vụ mua lại gần đây nhất vào năm 2020. Được biết công ty này đã mua lại một công ty chuyên sản xuất các bộ phận ô tô và y tế.
Để đàm phán các điều khoản, cả hai bên đã đồng ý thuê một nhà tư vấn từ trung tâm hỗ trợ mua lại các doanh nghiệp nhỏ. Chính phủ Nhật Bản cũng đã chi trả một nửa phí tư vấn.
Theo số liệu của chính phủ, khoảng 1.681 công ty nhỏ đã được mua lại với sự trợ giúp của các trung tâm này tính đến tháng 3 năm 2023.
Phá bỏ truyền thống
Một lựa chọn cho các công ty đang gặp khó khăn là tăng giá sản phẩm, nhưng điều này rất khó thực hiện sau nhiều năm giảm phát.
Năm ngoái, ngân hàng Kiryu Shinkin, một ngân hàng cho vay nhỏ ở tỉnh Gunma, phía bắc Tokyo, đã thành lập một đội ngũ chuyên giúp đỡ các khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn.
Người quản lý Takashi Harada cho biết, các chủ doanh nghiệp ngần ngại tăng giá vì sợ mất khách hàng. Ngoài ra, họ cảm thấy phải có trách nhiệm duy trì hoạt động công ty vì nhân viên của mình, do đó mà không có những thay đổi đáng kể xảy ra.
Tuy nhiên, một số công ty gia đình đang phá vỡ những khuôn mẫu này.
Chị Yukiko Izumi tiếp quản công ty bánh quy của gia đình, Izumiya Tokyoten, sau khi cha chị qua đời sáu năm trước. Tính đến thời điểm đó, công ty đã thua lỗ trong một thập kỷ.
Chị Izumi đã cắt giảm chi phí, chuyển trụ sở ở Tokyo về nhà máy ở khu công nghiệp Kawasaki và tăng giá sản phẩm lần đầu tiên sau 15 năm.
Chị cũng đã làm việc với một họa sĩ minh họa, để thiết kế một dòng sản phẩm mới với chủ đề là những chú mèo. Ban đầu, ý tưởng này đã gặp phải sự phản đối trong nội bộ công ty, nhưng bây giờ sản phẩm bán được 120.000 gói mỗi năm. Đây là “một thành công lớn” của công ty Izumiya 97 năm tuổi. Công ty cũng đã báo cáo lợi nhuận trong ba năm qua.
“Bố tôi và tôi đã từng bất đồng ý kiến về việc phải phá bỏ lối làm việc cũ và cải thiện năng suất” chị Izumi chia sẻ. “Vì vậy, tôi đã quyết định sẽ thay đổi mọi thứ.”
Hiện tại, chị đang tìm cách mở rộng tệp khách hàng của công ty, bằng cách nhắm đến khách du lịch quốc tế.
Nhưng đối với nhiều doanh nghiệp, thời điểm khó khăn đang đến gần, khi kỷ nguyên kiếm tiền một cách dễ dàng sắp kết thúc và đồng yên mất giá sẽ làm tăng chi phí.
Ông Yasushi Noro, chủ tịch của NBC Consultants, công ty tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, nhiều công ty gặp khó khăn với các khoản nợ và số lượng công ty rơi vào tình cảnh tương tự sẽ tăng khi lãi suất tăng.
ABOUT THE AUTHOR
Expert Editor
Huawei sẽ ra mắt sản phẩm mới đối đầu trực tiếp với iPhone 16 của Apple
Expert Editor

Căng thẳng Mỹ-Trung đe dọa sự phát triển của ngành năng lượng mặt trời ở Đông Nam Á
Expert Editor

ASEAN đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới
Expert Editor
