logo

Ứng dụng công nghệ trong thời trang dưới góc nhìn của người trong cuộc

Expert Editor

Thời trang thay đổi liên tục. Đặc biệt dưới tác động của công nghệ, ngành công nghiệp này lại càng phát triển nhanh hơn nữa. Bài viết này được viết dưới góc độ của Mark Harrop – cố vấn công nghệ, người đã làm việc trong ngành thời trang 40 năm.


Khi mới ra mắt, internet đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp và một trong những ngành tiên phong đi đầu là thời trang. Đến năm 1995, một số doanh nghiệp toàn cầu như eBay và Amazon, đã ra mắt sàn thương mại điện tử của họ, nối tiếp là sự bùng nổ của các doanh nghiệp e-commerce vào những năm sau.


Tất nhiên, cũng có những doanh nghiệp không nhận ra được tiềm năng (và quy mô) thực sự của internet. Nhưng, lịch sử đã chứng minh rằng, khi một cuộc cách mạng công nghệ lớn xảy ra, những doanh nghiệp sớm đón đầu sẽ phát triển mạnh mẽ hơn cả.


Điều này cũng nhắc nhở chúng ta rằng, công nghệ mang đến những đổi mới thú vị và việc chúng ta cần phải làm đó là áp dụng chúng để tối ưu hóa mô hình kinh doanh hiện có, tăng hiệu quả lao động và sản xuất, cũng như kết nối mọi người với nhau. Trước khi có internet, ngành công nghiệp thời trang gặp nhiều khó khăn khi quản lý dữ liệu sản phẩm, cũng như  giao tiếp bằng hệ thống giấy tờ đối với công việc nội bộ và telex, fax hoặc email đối với các đối tác bên ngoài.


Sau đó, ngành công nghiệp này đã chuyển sang sử dụng internet và nhanh chóng bắt kịp với nhắn tin tức thời, hội nghị bằng video, mạng xã hội và quản lý vòng đời sản phẩm trên cloud. Cuộc cách mạng này làm thay đổi cách các bên liên quan trao đổi và chia sẻ thông tin.  


Nhưng, tác động thực sự và lâu dài của internet là “dân chủ hóa” ngành thời trang và làm bùng nổ các xu hướng mới trên toàn cầu. Internet tạo điều kiện cho những ý tưởng sáng tạo và mô hình thương mại mới được sinh ra, định hình lại cách chúng ta làm marketing, phát triển ngành thời trang nhanh và định nghĩa lại mối quan hệ giữa thời trang với các mùa và phong cách truyền thống. Những điều mà chúng ta coi là hiển nhiên trong thời trang có thể mới phát triển dạo gần đây, dưới tác động và sự ra đời của internet.


AI trong ngành công nghiệp thời trang mang đến cảm giác như những ngày đầu khi sử dụng internet để giao tiếp với các đối tác. Chúng mang lại những tiềm năng vô hạn, đang chờ được khám phá. Và theo thời gian, công nghệ sẽ trưởng thành, mang đến cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là thời trang, bước nhảy vọt diệu kỳ cùng một số những khó khăn mới.


Harrop tin rằng, với tiềm lực hiện tại, ngành công nghiệp thời trang có thể vượt qua những chướng ngại đó nhanh hơn. 


Ngày trước, tiềm năng thực sự của internet còn chưa được biết đến. Giữa những năm 90, liệu có ai tin vào những ảnh hưởng tích cực và cả tiêu cực của TikTok, khi mà Netscape Navigator là khung tham chiếu duy nhất của họ?


AI hiện tại cũng đang ở vị thế tương tự với những mối lo về an ninh, quyền riêng tư và tác động đến xã hội. Tương tự, chúng ta vẫn chưa chắc chắn về cách AI sẽ phát triển. Một số người, bao gồm cả những người đã tạo ra và quản lý nó, thậm chí còn không rõ về cách AI thực sự hoạt động. Nhiều người lo ngại về sự phát triển và ứng dụng của công nghệ này và một số lo ngại là hoàn toàn hợp lý. Sử dụng AI một cách rộng rãi có thể mang đến những hậu quả tiềm tàng, liên quan đến mất việc làm, thiên kiến thuật toán (algorithmic bias), quyền sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư và an ninh, cũng như nhu cầu cấp bách về tính minh bạch và trách nhiệm từ các công ty đứng sau các mô hình AI này.


Giống như những ngày đầu của internet, chúng ta sẽ cần phải giải quyết những mối lo với sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và công chúng. Điều này nhằm đảm bảo rằng AI được tích hợp hiệu quả và an toàn trong ngành thời trang, khi mà quy mô của sự tích hợp đó đang được tiến hành một cách mạnh mẽ.


Bây giờ, hãy cùng điểm qua một số xu hướng trong ngành thời trang liên quan AI đang được mong đợi vào năm 2024.


Siêu cá nhân hóa (Hyper personalization)


Trong tương lai, AI có thể được sử dụng để phân tích các xu hướng thời trang, hứa hẹn sẽ mang đến một cuộc cách mạng trong cách chúng ta hiểu và dự đoán những sản phẩm bán chạy và những sản phẩm không. Không giống con người, các thuật toán AI có thể sàng lọc và chỉ ra những thông tin nổi bật từ những cơ sở dữ liệu khác nhau như các buổi fashion show, ảnh chụp phong cách đường phố, xu hướng trên mạng xã hội, influencer, nền tảng e-commerce, dữ liệu bán hàng theo thời gian thực của các nhãn hàng và các truy vấn trên công cụ tìm kiếm. Nếu những dữ liệu này được cung cấp liên tục và triển khai theo đúng hệ thống, các doanh nghiệp có thể phát triển một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) giúp dự đoán những xu hướng thời trang và đề xuất hướng phát triển của thương hiệu.


Các nguyên tắc tương tự cũng có thể được sử dụng để tạo ra những sản phẩm mang tính cá nhân hóa. AI có thể cung cấp hiểu biết chính xác và toàn diện về những sản phẩm mà khách hàng đang mặc, mua và bàn tán về (theo cách tích cực và cả tiêu cực). Từ đó khám phá ra những điều mà ít người biết đến hay những xu hướng mới nổi. Thương hiệu có thể dựa vào đó để tạo ra những sản phẩm mang phong cách cá nhân và hướng tới người tiêu dùng.


Để mang đến những sản phẩm siêu cá nhân hoá, các thương hiệu phải thực sự hiểu rõ khách hàng của mình, từ giới tính, độ tuổi, sở thích, vóc dáng và số đo cơ thể, kiểu dáng, màu sắc và sản phẩm yêu thích, nơi ở. Những thương hiệu áp dụng phương pháp này có thể đi theo mô hình sản xuất theo đơn đặt hàng, hoặc mô hình tùy biến đại chúng (mass-customisation). Biên lợi nhuận cao, phản hồi tích cực từ khách hàng, tỷ lệ hoàn hàng thấp, hàng tồn kho giảm là một vài lợi ích có thể kể đến.


Nhận dạng và xử lý hình ảnh


AI không chỉ có thể nhận diện màu sắc và hoa văn trong hình ảnh, mà còn giúp phân tích các sắc thái của đường viền, mảng in, kết cấu và thậm chí là những cảm xúc được khơi gợi bởi các mẫu trang phục hoặc giày dép cụ thể. Những hiểu biết này có thể dự báo xu hướng và gợi ý những thiết kế mang tính cá nhân tốt hơn.


Xu hướng và mood board


AI có thể phân tích bối cảnh văn hóa và xã hội xoay quanh các xu hướng thời trang. Đồng thời, nó còn xem xét các yếu tố như sự kiện đang diễn ra, các yếu tố bền vững, điều kiện kinh tế ở cấp độ khu vực, thành phố, hoặc quốc gia, người nổi tiếng cũng như các influencer, và thậm chí là các AI influencer. Cách tiếp cận toàn diện này cho phép AI trả lời cho câu hỏi điều gì tạo nên xu hướng và chúng có phát triển như thế nào trong tương lai.


Thiết kế và phát triển


Khi AI trên đà phát triển (và quan trọng hơn cả là xây dựng được lòng tin), đội ngũ thiết kế cùng với sự giúp sức từ IT, có thể xây dựng các LLM, giúp tiếp nhận các xu hướng mới nhất (hàng tuần, hàng ngày, thậm chí là hàng giờ). Đồng thời, các thương hiệu có thể sử dụng những câu lệnh dành cho AI cùng với thị giác máy tính để tạo ra cảm hứng thiết kế chỉ trong vài phút. Ngoài ra, AI còn được sử dụng để minh họa các câu chuyện và bài viết dựa trên bản tóm tắt ý tưởng thiết kế khi cho ra mắt sản phẩm.


Mặt khác, AI cũng giúp nâng cao giá trị của các bản phác thảo 2D. Chúng nhanh chóng biến những bản thảo này thành dạng 3D với chất lượng như ảnh chụp, bằng cách kết hợp các mẫu 2D, ảnh chụp và dữ liệu 3D với các kỹ thuật kết xuất. Từ đó tạo ra các thiết kế mang tính đột phá, phản ánh chính xác số đo cơ thể, tỷ lệ in, logo hoặc các mẫu thêu. Sau đó chúng sẽ được hiển thị trên các người mẫu ảo.


Các nhà phát triển, sử dụng dữ liệu liên quan đến quản lý vòng đời sản phẩm, có thể truy cập vào LLM để khám phá và phân tích các vật liệu, cũng như phương pháp xử lý bền vững, giúp đưa ra nhiều lựa chọn tốt hơn cho các thiết kế của mình. AI sẽ giúp tăng tốc và truyền cảm hứng cho các đội ngũ thiết kế và phát triển, bằng cách sử dụng những dữ liệu đã được thu thập và phân tích, thay vì chỉ dựa vào trực giác của con người.


Nâng cấp hình ảnh bằng AI


Những công cụ nâng cấp hình ảnh bằng AI sẽ được các đội ngũ thiết kế, phát triển và sản xuất sử dụng. Những thuật toán thông minh sẽ giúp tăng chất lượng ảnh bằng cách biến chúng thành những bức ảnh có độ phân giải cao và sắc nét. Các công cụ AI như ColorLUT và VanceAI có thể điều chỉnh tông sắc, tăng độ rực của màu và cân bằng sáng-tối, đảm bảo các bức ảnh chụp trang phục thể hiện đúng màu sắc mong muốn. Ngoài ra, những công cụ này còn được sử dụng để xóa nếp nhăn, thay thế nền, cài đặt cảnh và tăng cường kết cấu của vật liệu.


Bản sao kỹ thuật số (Digital twins)


Khả năng và vai trò của digital twins đã được chứng minh và thúc đẩy bởi sự kết hợp của AI và internet vạn vật (Iot) cùng với các thiết bị, cảm biến nhúng (embedded sensor) và các công nghệ khác như phần mềm blockchain, giúp thu thập dữ liệu xuyên suốt chuỗi giá trị từ đầu đến cuối.


Từ văn bản đến video


Một khả năng khác của AI tạo sinh (GenAI) là chuyển đổi từ văn bản sang video. Tính năng này đang phát triển nhanh chóng và được sử dụng một cách rộng rãi. Ví dụ, các thương hiệu có thể đào tạo mô hình AI giới thiệu những điểm mạnh của sản phẩm dưới dạng video thay vì những hình ảnh 2D hoặc 3D đơn thuần. Đội ngũ thiết kế cũng có thể biến ý tưởng thành hiện thực bằng cách sử dụng những câu lệnh cho AI như “áo phông bohemian.” Mô hình chuyển đổi này sẽ tạo ra một video có chủ đề về áo phông và phụ kiện, giúp truyền cảm hứng cho nhà thiết kế.


Những buổi fashion show ảo là một ví dụ khác về ứng dụng của mô hình này. AI sẽ biến những bảng dự báo xu hướng và mood board dưới dạng 2D thành các video sống động. Nó giúp trình chiếu những thiết kế mới, vật liệu cũng như đường viền của sản phẩm. Có thể nói, nhiều phòng ban sẽ hưởng lợi từ công nghệ này, đặc biệt là đội ngũ marketing.


Thời trang bền vững và nguồn nguyên liệu (upstream) trong chuỗi giá trị


AI sẽ giúp tối ưu hoá kế hoạch sản xuất, phân bổ vật liệu và tài nguyên. Đồng thời, công nghệ này có thể làm tối giản chuỗi giá trị và giảm thiểu lãng phí thông qua việc cải tiến thiết kế in ấn, cắt may và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. AI cũng sẽ dự báo nhu cầu khách hàng với độ chính xác cao, ngăn ngừa việc sản xuất dư thừa, mang đến các mô hình sản xuất theo yêu cầu mới và đảm bảo 3 tiêu chí: đúng sản phẩm, đúng người dùng và đúng thời điểm.


AI cũng sẽ hỗ trợ sản xuất một cách linh hoạt, đảm bảo từng chi tiết kỹ thuật số đóng góp vào lợi nhuận của doanh nghiệp và mang đến tác động bền vững cho môi trường. AI có thể giảm thiểu lãng phí và theo dõi vòng đời của sản phẩm từ lúc mới chỉ là ý tưởng đến khi bị bán vào cửa hàng đồ cũ. Ảnh hưởng của AI cũng sẽ mở rộng hơn nữa trong chuỗi giá trị. Các thương hiệu giờ đây có thể đưa ra những quyết định cung ứng bền vững và làm việc với những đối tác tuân thủ đạo đức kinh doanh dựa trên các chỉ số đo lường hiệu quả (KPI).


Hơn hết, các doanh nghiệp cần phải đảm bảo rằng, AI được sử dụng đúng cách, để tính minh bạch và trách nhiệm doanh nghiệp trở thành lợi thế cạnh tranh.


Ứng dụng AI trong upstream, các doanh nghiệp không chỉ tối ưu hóa quy trình sản xuất, mà còn có thể tận dụng những phát minh và đổi mới. Thương hiệu có thể tạo ra một hệ sinh thái thời trang không chỉ linh hoạt mà còn có trách nhiệm, bảo vệ tài nguyên và tôn trọng đạo đức kinh doanh, từ đó mở đường cho một ngành công nghiệp thời trang bền vững và linh hoạt.


Quần áo, giày dép và phụ kiện in 3D


Công nghệ in 3D đang phát triển nhanh chóng: hãy tưởng tượng khi mà bạn có thể in quần áo của mình ngay tại nhà! In 3D sẽ mở ra một thế giới cho phép khách hàng thỏa thích tùy chỉnh và sáng tạo. Đội ngũ thiết kế và phát triển giờ đây đã có thể in ra giày dép và quần áo. Ngoài ra, có thể kể đến các công ty như Stratasys, Materialise và Nervous Systems hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực này.


Vải thông minh và thiết bị đeo công nghệ


Harrop hy vọng rằng những vật liệu và thiết bị đeo này sẽ không chỉ đẹp mà còn có thêm nhiều tính năng khác. Ví dụ, những loại vải có thể giám sát sức khỏe và nhịp tim của người mặc đến những trang phục có thể thay đổi màu sắc dựa trên nhiệt độ. Hãy tưởng tượng một chiếc áo thể thao có thể theo dõi nhịp tim và tự điều chỉnh sao cho người dùng được thoải mái, hoặc một chiếc váy có thể thay đổi màu sắc phù hợp với tâm trạng của người mặc. 


3D-DPC: Từ cú nhấp chuột đến sàn catwalk


Thời trang theo yêu cầu sẽ giúp thương hiệu không còn phải đau đầu về chuỗi cung ứng và ác mộng hàng tồn kho. 3D-DPC giúp sao chép quần áo từ thế giới ảo đến thế giới thật. Kỹ thuật này mang lại sự tiện lợi, tính bền vững, giúp giảm thời gian sản xuất và dấu chân carbon, cũng như mang đến sự hài lòng từ khách hàng. Nhưng cũng đừng quên trách nhiệm của mình. Thương hiệu cần phải đầu tư vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh có đạo đức và quản lý chất thải một cách có trách nhiệm.


Sự lột xác của vũ trụ ảo 3D (Metaverse)


Thời trang vượt ra khỏi thế giới thật và bắt đầu gia nhập vào metaverse, mang lại những trải nghiệm mới cho thương hiệu. Những phòng trưng bày ảo tràn ngập các bộ sưu tập kỹ thuật số, có thể tiếp cận với khán giả trên toàn cầu 24/7. Hãy thử tưởng tượng trang phục của những nhân vật ảo xuất hiện ở các cửa hàng vật lý hoặc online và ảnh hưởng đến xu hướng thời trang trên toàn cầu. Metaverse mang đến những câu chuyện thương hiệu và trải nghiệm khách hàng mới, từ đó giúp tạo thêm các nguồn thu nhập. Ứng dụng metaverse trong marketing cũng mang đến sự trung thành của khách hàng, vượt qua những hạn chế của địa lý.


Những vấn đề đạo đức khi sử dụng công nghệ trong thời trang


Quyền dữ liệu riêng tư, sở hữu trí tuệ và những vấn đề tiềm ẩn khi thiết kế dựa trên AI là một số những vấn đề mà các thương hiệu cần phải đối mặt. Do đó, các doanh nghiệp nên đầu tư vào các công cụ giúp quản lý dữ liệu, tìm các nguồn cung có trách nhiệm và phát triển AI có đạo đức.


Kết luận


Hãy nắm bắt những cơ hội ngay bây giờ, như cái cách mà eBay và Amazon đã làm vào những năm 90. Cả 2 là những người tiên phong khi internet mới ra đời và họ đã phát triển thành những doanh nghiệp lớn như hiện nay. Cả internet và AI đều là những động lực giúp thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Trong khi internet giúp cải thiện việc tiếp cập thông tin và khả năng giao tiếp, AI hứa hẹn sẽ hỗ trợ chúng ta làm việc, chi tiêu và ra quyết định. Phát triển tiềm năng của AI một cách toàn diện và giảm thiểu nhược điểm của nó yêu cầu chính sách thận trọng, giáo dục và phát triển có trách nhiệm.


Harrop tin rằng năm 2024, những nhà lãnh đạo có thể thực sự khai thác được tiềm năng của AI trên toàn bộ chuỗi giá trị. Từ đó sẽ giúp định hình tương lai của ngành thời trang và định nghĩa lại bản chất của nó. Năm 2024 không chỉ là năm của những xu hướng thoáng qua. Các thương hiệu nên ứng dụng công nghệ, đầu tư vào các đối tác chiến lược và chuẩn bị cho sàn catwalk kỹ thuật số.

ABOUT THE AUTHOR

Expert Editor

Phương pháp mới biến rác thải nhựa thành tài nguyên quý

Expert Editor

Phương pháp vi chế tạo mới chỉ sử dụng giấy và nước

Expert Editor

Phương pháp chế tạo pin lithium với giá thành rẻ

Expert Editor