logo

Startup đứng sau sự chuyển đổi công nghệ tại Việt Nam

Expert Editor

Giữa nhịp sống sôi động của Hà Nội, với hơn 9 triệu người cùng chung sống giữa những con phố và vỉa hè tấp nập, kiến trúc thuộc địa Pháp hòa quyện cùng các tòa nhà hiện đại theo phong cách phương Đông, tạo nên một cảnh quan đô thị đầy sắc thái. Và, những quán cà phê mở cửa suốt đêm, với đặc sản là món cà phê trứng nổi tiếng, đã trở thành một phần không thể thiếu của thủ đô. 


Trong bức tranh đô thị đầy sắc màu này, nổi bật giữa các biển quảng cáo thương mại và tòa nhà cao tầng là sự hiện diện của FPT, công ty công nghệ tiên phong của Việt Nam. Mới đây, FPT đã chính thức vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD, đánh dấu một cột mốc quan trọng, với sự thành công vượt trội đến từ FPT Software – công ty con của họ.


FPT được thành lập vào năm 1988 bởi 13 nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực công nghệ. Sau khi học tập và gặp gỡ tại Nga, họ trở về Việt Nam với khát vọng hiện đại hóa và số hóa đất nước. Ban đầu, không ai có thể tưởng tượng được tầm ảnh hưởng to lớn mà FPT sẽ mang lại, từ các hợp đồng quốc tế quan trọng đến việc thúc đẩy giáo dục, phát triển kỹ thuật số và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. 


Chủ tịch FPT, Tiến sĩ Trương Gia Bình, một trong những nhà sáng lập, chia sẻ: “Thời điểm đó, Việt Nam vẫn còn bị cấm vận và không có ai trong chúng tôi được đào tạo bài bản về khoa học máy tính. Tuy nhiên, chúng tôi đã quyết tâm làm những điều chưa từng có ai thực hiện trước đây.”


Như nhiều nhà tiên phong công nghệ khác, ông Bình và đội ngũ của mình bắt đầu bằng cách giải quyết các vấn đề hiện có tại địa phương. Một trong những khách hàng đầu tiên của họ là Vietnam Airlines, khi đó vẫn còn sử dụng fax và hình thức đặt vé trực tiếp. Nhà đồng sáng lập này nhớ lại: “Khách hàng phải đến tận văn phòng để mua vé, và hệ thống thường báo hết chỗ, dù thực tế các chuyến bay vẫn còn nhiều ghế trống.” Nhận thấy quy trình này còn nhiều hạn chế, ông Bình đã thuyết phục Vietnam Airlines cho phép FPT phát triển hệ thống bán vé điện tử, giúp đơn giản hóa quy trình đặt vé. 


Ngoài ra, công ty còn hợp tác với các ngân hàng để kết nối một cách kỹ thuật số giữa các chi nhánh, vì vào thời điểm đó, khách hàng chỉ có thể rút tiền từ chi nhánh nơi họ đã gửi tiền.


Nhờ cách tiếp cận sáng tạo của vị chủ tịch này, FPT Software đã có một bước tiến dài từ những ngày đầu thành lập. “Khi Việt Nam mở cửa thị trường, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên hỗ trợ chúng tôi xây dựng cơ sở hạ tầng và cải thiện các quy định kinh doanh. Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ là một thách thức lớn. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định dạy tiếng Nhật cho các kỹ sư của mình,” ông Bình chia sẻ.


Hiện nay, thị trường Nhật Bản đóng góp hơn một phần ba doanh thu của FPT, một con số ấn tượng khi so sánh với doanh thu từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Mỹ. Vào thời điểm FPT mở rộng ra toàn cầu, công ty đã khuyến khích nhân viên học các ngôn ngữ mới và làm việc ở nước ngoài để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng quốc tế.


Ông Bình và các nhà đồng sáng lập FPT đã tạo ra tầm ảnh hưởng lớn khi cải thiện chất lượng giáo dục tại Việt Nam. Họ không chỉ triển khai chương trình giáo dục tư nhân của FPT với học bổng từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, mà còn thành lập Đại học FPT vào năm 2006 – trường đại học tư thục đầu tiên tại Việt Nam chuyên đào tạo các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), góp phần đào tạo thế hệ kỹ sư và chuyên gia tương lai.


Ngày nay, Việt Nam nổi bật trên bản đồ quốc tế với số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, với hơn 57.000 sinh viên ra trường mỗi năm. Ngoài ra, hơn 400 trường đại học ở Việt Nam đang cung cấp các chương trình đào tạo hàng đầu về AI, điện toán đám mây, IoT và dữ liệu lớn. Theo dự đoán, đến năm 2025, số vồn đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực AI, chuyển đổi số và chất bán dẫn sẽ vượt 43 tỷ USD.


Khi được hỏi về cách chủ tịch Bình điều hành FPT và vai trò của công ty trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, ông chia sẻ: “Chúng tôi luôn khuyến khích những nhân viên xuất sắc nhất trở thành doanh nhân, phát triển ý tưởng của chính họ và đưa chúng vào thực tiễn. Thay vì chỉ đạo một cách cứng nhắc, chúng tôi cung cấp định hướng và để cho họ tự do khám phá cách làm việc. Chúng tôi không thích quản lý chi tiết; thay vào đó, chúng tôi muốn khơi gợi sự sáng tạo và khuyến khích giao tiếp. Điều này giúp mọi người làm việc cùng nhau hiệu quả hơn."


Mặt khác, đối với vị tiến sĩ này, giáo dục nên được ưu tiên hàng đầu. Bởi vì, trước tiên, giáo dục là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Thứ hai, đó là cách FPT góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Lí do cuối cùng đến từ chính mẹ của ông Bình, người luôn quan tâm sâu sắc tới giáo dục. Bà luôn cảm thấy tự hào và vui mừng với những nỗ lực của vị chủ tịch và đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực này.


Bên cạnh những thành tựu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, FPT còn hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam thông qua nhiều sáng kiến đa dạng. K�� từ năm 1999, FPT đã tích cực tìm kiếm và hỗ trợ tài chính cho những sinh viên triển vọng, giúp họ xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp. Nhiều người trong số họ đã thành lập các doanh nghiệp thành công, và không ít người hiện đang trở thành đối thủ cạnh tranh của chính FPT.


Vào năm 2016, công ty đã trở thành một trong những nhà đầu tư chủ chốt của Vietnam Innovative Startup Accelerator, chương trình hàng đầu hỗ trợ các startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông và tài chính. Bên cạnh đó, FPT còn duy trì một hội đồng cố vấn nội bộ để giúp biến các ý tưởng của đội ngũ thành những dự án thành công. Ông lớn công nghệ tại Việt Nam không chỉ cung cấp quyền truy cập vào cơ sở khách hàng mà còn tạo ra môi trường thử nghiệm sản phẩm lý tưởng. Hàng năm, FPT đều tổ chức cuộc thi nội bộ để tìm kiếm và phát triển những ý tưởng sáng tạo, từ đó, nhiều sản phẩm toàn cầu nổi bật đã được ra đời.


Trong cuộc phỏng vấn với trang tin Forbes, ông Bình đã có nhiều nhận xét tích cực về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Theo ông, kể từ năm 2010, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã trải qua sự phát triển mạnh mẽ nhờ vào nhiều yếu tố kết hợp. Chính phủ đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp bằng cách hỗ trợ các sáng kiến với các khoản đầu tư hấp dẫn. Đồng thời, thế hệ trẻ với sự am hiểu công nghệ và nền giáo dục tập trung vào STEM đã tạo ra một lực lượng lao động sáng tạo và năng động. Sự thành công của các kỳ lân công nghệ (startup có giá trị tỷ đô) như VNG, Sky Mavis và VNPay đã không chỉ chứng minh tiềm năng to lớn của Việt Nam mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều công ty khởi nghiệp khác


Năm 2022, các startup tại Việt Nam đã thu hút hơn 630 triệu USD vốn đầu tư, minh chứng cho sức hấp dẫn ngày càng gia tăng của thị trường khởi nghiệp trong nước. Với dân số trẻ dự kiến đạt 104 triệu người vào năm 2030 và đội ngũ hơn 1 triệu kỹ sư phần mềm và nhà phát triển công nghệ thông tin hiện có, Việt Nam đang dần xây dựng nền tảng vững chắc để phát triển ngành công nghệ. Nước ta cũng đặt mục tiêu đào tạo 30.000-50.000 kỹ sư bán dẫn trong 6 năm tới. Để làm được điều này, chính phủ Việt Nam đang tích cực tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm vốn đầu tư từ nước ngoài, đồng thời khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài trở về để khởi nghiệp. Chính phủ đang đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và mở rộng các trung tâm đào tạo. Đến nay, đã có hơn 800 công ty nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ, cho thấy cam kết mạnh mẽ trong việc tạo điều kiện thuận lợi và phát triển môi trường khởi nghiệp sáng tạo.


Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức như:


  • Thiếu khuôn khổ pháp lý vững chắc để đổi mới sáng tạo, điều này có thể cản trở việc thu hút và giữ chân nhân tài, cũng như đảm bảo nguồn tài trợ.

  • Khó khăn trong việc thu hút đầu tư từ doanh nghiệp.

  • Rào cản khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

  • Thiếu các công viên khởi nghiệp để hỗ trợ các startup mới.


Trả lời câu hỏi về tương lai của lĩnh vực khởi nghiệp ở Việt Nam, ông Bình chia sẻ, ngành game đang ghi nhận sự phát triển vượt bậc với nhiều tiềm năng và cơ hội mới. Theo thống kê, trẻ em Việt dành thời gian chơi game cao gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Đáng chú ý, một sinh viên Đại học FPT đã phát triển thành công một trò chơi blockchain với mô hình "vừa chơi vừa kiếm tiền," giúp mang về doanh thu hàng tỷ đô.

ABOUT THE AUTHOR

Expert Editor

CyberKid Vietnam lọt top 20 dự án sử dụng công nghệ số toàn cầu xuất sắc

Expert Editor

Vbee đoạt giải quán quân tại cuộc thi đổi mới sáng tạo của Qualcomm

Expert Editor

Thoả thuận hợp tác mới của FPT Software giúp nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng

Expert Editor