Doanh nghiệp Việt là lựa chọn hàng đầu của đối tác Nhật
Expert Editor

Theo dữ liệu thống kê, quy mô thị trường IT outsourcing của Nhật hiện đang rơi vào khoảng 30 tỷ USD. Dự kiến con số này sẽ đạt khoảng 50 tỷ USD vào năm 2028, và khoảng 60 tỷ USD vào năm 2030.
Tuy nhiên, khi phải đối mặt với nhiều thách thức như Covid-19 và đồng yên sụt giá, doanh thu của doanh nghiệp IT Việt Nam tại thị trường này chỉ đạt gần 3 tỷ USD (xấp xỉ 10%), giảm so với 30% trong giai đoạn trước đó.
“Những năm vừa rồi, kinh tế Nhật gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, đồng yên giảm tới 30%, trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp Việt triển khai dự án IT cho đối tác Nhật chỉ dao động 20-30% tổng doanh thu, đồng nghĩa nguy cơ không có lợi nhuận. Vậy nhưng, hầu hết doanh nghiệp IT Việt chưa bao giờ nghĩ tới chuyện từ bỏ thị trường và các đối tác Nhật mà luôn đồng hành, chia sẻ, cùng nhau tìm giải pháp vượt qua khó khăn”, ông An Ngọc Thao, Phó Tổng Thư ký VINASA, chia sẻ.
Với mục tiêu quay trở lại mốc 20-30% của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ IT Việt Nam (VINASA), các doanh nghiệp Việt đang tìm cách vượt qua khó khăn, đồng hành cùng các đối tác Nhật trong quá trình chuyển đổi số, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Được biết, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực IT đã bắt đầu từ 2 thập kỷ trước. Đến năm 2014, theo ông An Ngọc Thao, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của Nhật Bản, chỉ đứng sau Trung Quốc về mức độ quy mô, nhưng lại được các doanh nghiệp của nước này “yêu thích số 1.”
Tính đến nay, VINASA đã có quan hệ hợp tác với khoảng 30 tổ chức và hiệp hội đến từ Nhật Bản trong lĩnh vực IT, bao gồm Cơ quan Xúc tiến IT (IPA), Hiệp hội Công nghiệp dịch vụ IT Nhật Bản (JISA). Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt phát huy lợi thế là “lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp Nhật”, từ đó giúp mở rộng năng lực cạnh tranh, và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của cả hai nước.
Doanh nghiệp IT của Việt Nam hội tụ rất nhiều thế mạnh để phát triển tại thị trường Nhật Bản. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có 84.000 kỹ sư IT ra trường hàng năm, với chương trình học tiệm cận với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp Nhật Bản. Đặc biệt, các kỹ sư Việt Nam có thể sử dụng tiếng Nhật trong các môi trường làm việc khác nhau, từ đó giúp đảm bảo hiệu suất công việc và tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa nhân sự Việt Nam và nhân sự đến từ các nước khác.
Tuy nhiên, các công ty Việt Nam vẫn còn những rào cản cần phải khắc phục, nếu muốn chinh phục thị trường Nhật Bản. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam chưa đủ để tiếp nhận những dự án lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản, khi hệ thống cơ sở vật chất riêng chưa thực sự phát triển và trung tâm sản xuất quy mô hàng nghìn người còn thiếu. Ngoài ra, nhân sự Việt giỏi về công nghệ nhưng lại không có kiến thức chuyên sâu về những ngành lớn của Nhật như tài chính, bảo hiểm.
Để giải quyết vấn đề này, VINASA khuyến khích các doanh nghiệp Việt tăng cường hợp tác với các công ty Nhật thuộc nhiều lĩnh vực và các chuyên gia của hai nước, để cùng nghiên cứu và phát triển. Các doanh nghiệp này cũng nên hợp tác với các công ty Việt Nam thuộc các lĩnh vực như fintech, agritech, e-commerce, để tích lũy thêm kinh nghiệm và hướng tới thị trường quốc tế.
ABOUT THE AUTHOR
Expert Editor
CyberKid Vietnam lọt top 20 dự án sử dụng công nghệ số toàn cầu xuất sắc
Expert Editor

Vbee đoạt giải quán quân tại cuộc thi đổi mới sáng tạo của Qualcomm
Expert Editor

Thoả thuận hợp tác mới của FPT Software giúp nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng
Expert Editor
