logo

'Lazy girl job': 'Khắc tinh' của văn hóa hối hả là đây?

Blog Change

Bỏ qua "Bare Minimum Mondays" hay "quiet quitting"... bây giờ là lúc nhường chỗ cho xu hướng làm việc mới nhất của Gen Z - "Lazy girl job".


Từ những năm 1970 đến nay, phụ nữ đã có những tiến bộ trong lực lượng lao động. Phụ nữ đã đi học đại học với số lượng kỷ lục, đảm nhận công việc được trả lương và giành được sự độc lập lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Cũng bắt đầu từ đó các thuật ngữ như "girl boss", "girl dinner" được nhắc đến rất nhiều nhằm tôn vinh phụ nữ. Nhưng giờ đây các thuật ngữ này đã thay đổi nhường chỗ cho lazy girl job - một cụm từ hoàn toàn trái ngược. 


Lazy girl job là gì?


Lazy girl jobs là thuật ngữ mạng xã hội mới đề cập đến những công việc văn phòng nhẹ nhàng, không căng thẳng. Những người theo đuổi xu hướng này thường làm việc rất ít, không có nhiều thách, không KPI, không phải mang việc về nhà và thậm chí họ còn được làm việc tại nhà mà không cần đến văn phòng. Tuy vậy mức lương nhận được khá tốt, khá hậu hĩnh.


Hashtag #lazygirljobs đã lan truyền trên TikTok với hàng triệu người xem và những 'cô gái lười' tự xưng tiết lộ cuộc sống làm việc của họ khiến nhiều người ganh tỵ.


Tại sao nhiều người yêu thích xu hướng này?


Trong một tập Squawk Box của CNBC vào ngày 26 tháng 7, Suzy Welch, giáo sư Trường Kinh doanh NYU Ster cho biết xu hướng lan truyền trên không phải là về sự lười biếng mà là "mong muốn mạnh mẽ để tránh lo lắng bằng bất cứ giá nào" của Gen Z.


Cô cũng nhấn mạnh rằng điều này phổ biến ở Gen Z nhiều hơn các thế hệ trước, bởi thế hệ này được bố mẹ lo lắng và bảo bọc quá mức. Chính sự bao bọc ấy thúc đẩy họ theo đuổi xu hướng "Lazy girl jobs" .


Giáo sư Welch cũng giải thích rằng nhận xét của cô dựa trên cuộc phỏng vấn trước đó với Jennifer Sotsky, một bác sĩ tâm thần chuyên về chứng lo âu của Gen Z.


Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy xu hướng này ở Việt Nam, nó đã được "thực hành" từ rất lâu nhưng chẳng ai đặt tên cho nó. 


Hầu hết bố mẹ châu Á đặc biệt là Việt Nam đều muốn con cái mình theo đuổi việc "ăn chắc mặc bền". Từ khi còn ngồi ghế nhà trường các trẻ em Châu Á thường được hướng cho làm những công việc cụ thể và đảm bảo như công chức nhà nước, bác sĩ, giáo viên... thậm chí là theo đuổi sự nghiệp nhiều năm của gia đình. Chính sự hướng dẫn, bao bọc này khiến nhiều người "ít" cố gắng hơn họ chỉ cần đảm bảo cuộc sống là được.


Mhairi Todd, huấn luyện viên về rào cản và người sáng lập Revolve Coaching cũng nói trên tạp chí GLAMOUR: "Thuật ngữ này phổ biến với Gen Z , những người thuộc phong trào phản đối công việc. Trong khi các thế hệ trước có thể đã đặt công việc lên hàng đầu và trung tâm của giá trị bản thân và giá trị cá nhân, thì phong trào chống việc làm là một nỗ lực nổi dậy chống lại điều này và nền văn hóa tư bản của chúng ta". 


Ưu - nhược điểm của #lazygirljobs


Nếu để ý, các bạn sẽ thấy rằng xu hướng #lazygirljobs này xuất hiện như một bước tiếp theo của phương pháp "quiet quitting - nghỉ việc trong im lặng" phổ biến trước đó. Tất cả các xu hướng này được xem là một nỗ lực thầm lặng để thể hiện rằng người lao động đã sử dụng hết công suất.


Nếu đồng tình với quan điểm này, các bạn sẽ thấy rằng #lazygirljobs sẽ mang đến rất nhiều ích lợi như: Được làm việc từ xa, linh hoạt và quyền tự chủ được ưu tiên hàng đầu, không bị kiệt sức và ốm yếu. Công việc như vậy cũng sẽ không ảnh hướng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. 


Tuy nhiên, xu hướng này cũng có nhược điểm "chí mạng", nó sẽ đề cao tâm lý phản đối công việc đã lan truyền trên mạng xã hội theo nhiều cách. Trên thực tế, hầu hết mọi người không thể đơn giản từ bỏ công việc của mình để tham gia vào các vai trò tìm kiếm sự nhàn rỗi hơn. Không có cách nào để vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang hoành hành trên thế giới.


Hơn nữa, những công việc không đòi hỏi này sẽ không thực sự kích thích hoặc làm bạn hào hứng sau một thời gian dài cống hiến. Bạn có thực sự ổn với một công việc không có cơ hội cho sự sáng tạo, thăng tiến? Bạn có hài lòng với một công việc làm mất khả năng tiếp xúc giữa các cá nhân và cản trở sự phát triển không? 


Con đường sự nghiệp nào phù hợp cho bạn?


Điều quan trọng nhất cần nhớ khi quyết định con đường sự nghiệp phù hợp với bạn là biết ưu tiên của bạn là gì. Nếu bạn là người có mục tiêu và thích phát triển trong môi trường áp lực cao, thì một công việc đầy thử thách có thể phù hợp với bạn. 


Mặt khác, nếu bạn là người coi công việc như một phương tiện để kết nối xã hội, để tránh việc quá rảnh rỗi... hoặc bạn không phải lo toan quá nhiều về chi phí sinh hoạt... thì 'công việc của một cô gái lười biếng' không phải là một lựa chọn tồi. Nếu bạn có cuộc sống xa xỉ với ít công việc, hãy tiếp tục, chẳng sao cả!


Mỗi chúng ta đều có vai trò trong bất kỳ công việc nào chúng ta làm và trong thời đại mà các cuộc đấu tranh về sức khỏe tâm thần diễn ra gay gắt, điều quan trọng là mọi người phải nhận ra rằng thành công cuối cùng là những gì khiến chúng ta thật sự hài lòng. Cho dù đó là #lazygirljobs hay bất kỳ công việc nào khác, thì cuối cùng việc chúng ta khỏe mạnh, hạnh phúc mới là quan trọng nhất.